Tổng quan về chủ nghĩa kinh nghiệm trong triết học Chủ_nghĩa_kinh_nghiệm

Học thuyết đầu tiên về chủ nghĩa kinh nghiệm được phát biểu một cách tường minh bởi John Locke vào thế kỷ XVII. Locke cho rằng tâm thức là một tabula rasa (tấm bảng sạch) trước khi các trải nghiệm lưu dấu vết của mình lên đó. Chủ nghĩa kinh nghiệm như của Locke phủ nhận rằng con người có các ý niệm bẩm sinh hay cái gì đó nhận biết được mà không phải tham chiếu tới trải nghiệm.

Chủ nghĩa kinh nghiệm không cho rằng ta có được các tri thức kinh nghiệm một cách tự động. Thay vào đó, theo quan điểm của các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa, để cho một tri thức bất kỳ có thể được suy luận hoặc suy diễn một cách đúng đắn, tri thức đó phải bắt nguồn từ trải nghiệm giác quan của ta.[2] Về mặt lịch sử, chủ nghĩa kinh nghiệm triết học thường được đặt đối lập với trường phái tư tưởng được gọi là "chủ nghĩa duy lý", trường phái này khẳng định rằng nhiều tri thức có thể quy cho lý tính một cách độc lập với các giác quan. Tuy nhiên, ngày nay, sự đối lập này được xem là một sự đơn giản hóa quá mức về các vấn đề có liên quan, vì các nhà duy lý lục địa quan trọng (Descartes, SpinozaLeibniz) cũng đã ủng hộ các "phương pháp khoa học" theo lối kinh nghiệm vào thời của họ. Hơn nữa, về phần mình, Locke cho rằng có một số tri thức (chẳng hạn tri thức về sự tồn tại của Chúa trời) chỉ có thể đạt được bằng trực giác và lập luận mà thôi.[3]

Một số triết gia quan trọng được cho là có quan hệ với chủ nghĩa kinh nghiệm bao gồm Aristotle, Thomas Aquinas, Francis Bacon, Thomas Hobbes, John Locke, George Berkeley, David Hume, và John Stuart Mill.